
Năm 2020, mặc dù đại dịch Covid -19 và tình hình kinh tế - xã hội nói chung đã tác động lớn đến việc triển khai công tác, nhưng toàn ngành Tư pháp đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác. Công tác chỉ đạo, điều hành được thực hiện quyết liệt, bám sát chương trình, kế hoạch công tác, các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc Hội, Chính phủ. Theo đó, trong năm qua, chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), chất lượng hồ sơ các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL nhìn chung được cải thiện tốt hơn, toàn ngành đã thẩm định 5.800 dự thảo VBQPPL. Công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL đạt nhiều kết quả ấn tượng. Theo thống kê, toàn ngành Tư pháp tập trung rà soát được 32.187 VBQPPL….
Năm 2020 và cả giai đoạn 2016 - 2020, đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các Bộ, ngành, địa phương đã quan tâm thực hiện tốt Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021 và các Kế hoạch, Đề án PBGDPL khác; chú trọng xây dựng các chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, tập huấn pháp luật, nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Đặc biệt, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật hàng năm được các Bộ, ngành, địa phương tổ chức hiệu quả, tạo được sự lan tỏa về tìm hiểu, tuân thủ pháp luật trong cán bộ, nhân dân. Trong các năm 2019 - 2020, toàn Ngành đã tích cực tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; phối hợp tham mưu cho Ban Bí thư ban hành Kết luận số 80/KL-TW ngày 20/6/2020 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW; tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành và đang tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW. Trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19, số cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 851.570 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp (giảm 13,3% so với năm 2019); phát miễn phí gần 65 triệu bản tài liệu tuyên truyền, PBGDPL (tăng khoảng 25% so với năm 2019). Tính từ năm 2016-2020, cả nước đã tổ chức trên 5,3 triệu cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp; phát miễn phí hơn 287 triệu bản tài liệu tuyên truyền, PBGDPL.
Đối với công tác hòa giải ở cơ sở, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019- 2022”. Trong năm, cả nước tiếp nhận 131.003 vụ việc hòa giải (tăng 8,3% so với năm 2019), trung bình tỷ lệ hòa giải thành đạt 80,73%. Tính cả nhiệm kỳ 2016-2020, cả nước đã tiếp nhận, giải quyết tổng số 707.356 vụ việc hòa giải, trong đó có khoảng 80% số vụ việc được hòa giải thành...

Năm 2021, tập trung triển khai kế hoạch của ban cán sự đảng Chính phủ được thực hiện Kết luận số 83-KL, ngày 29-9-2020 của Bộ Chính trị về công kết việc thực hiện Nghị quyết số 48–NQ/TW; tổ chức tập huấn, hướng dẫn và triển khai thực hiện tốt luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL; nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; Chỉ thị số 43/CT-TTg, ngày 11-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. Định hướng công tác tư pháp nhiệm kỳ 2021 -2025, cần tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của bộ, ngành Tư pháp trong việc tham mưu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật. Bảo đảm hệ thống pháp luật Việt Nam đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, có hiệu lực, hiệu quả cao, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích của người dân làm trọng tâm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới…
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả đạt được của ngành Tư pháp trong năm qua. Đồng thời, trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị bộ, ngành tư pháp cần tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành; tiếp tục đổi mới tư duy, lề lối làm việc, hành động quyết liệt hơn, tận dụng tốt cơ hội để đưa công tác tư pháp càng ngày càng phát triển bền vững. Xậy dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời các chương trình, kế hoạch công tác để cụ thể hóa nhiệm vụ được giao và theo yêu cầu, bảo đảm tính khả thi, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các bộ, ngành và của địa phương.
T.H