Nhiều kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Đề án tăng cường công tác PBGDPL tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Sóc trăng

Với vai trò là cơ quan đầu mối được UBND tỉnh giao chủ trì triển khai thực hiện Đề án, Sở Tư pháp đã bám sát nội dung, nhiệm vụ theo kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, đoàn thể được phân công trách nhiệm thực hiện Đề án tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng, nhu cầu công tác PBGDPL, xác định địa bàn trọng điểm vi phạm pháp luật về hình sự, ma túy, an toàn giao thông, bạo lực học đường, môi trường và các địa bàn thường xảy ra trường hợp tranh chấp đất đai, khiếu kiện, khiếu nại về đền bù giải phóng mặt bằng…Theo đó, Sở Tư pháp tiến hành khảo sát nắm tình hình vi phạm pháp luật tại 75 xã, phường trọng điểm vi phạm pháp luật (Số lượng phiếu khảo sát được phân bổ bao gồm: 75 phiếu dành cho tổ chức; 5.000 phiếu dành cho người dân cơ sở). Nhìn chung, hoạt động khảo sát nắm thực trạng tổ chức và hoạt động công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện hiệu quả đảm bảo các yêu cầu đề ra. Đối tượng được khảo sát thể hiện tinh thần trách nhiệm khi tham gia cho ý kiến khảo sát, đảm bảo phản ánh đúng tình hình thực tế của bản thân và địa phương về nhu cầu công tác PBGDPL để đơn vị tổ chức tuyên truyền, PBGDPLphù hợp với tình tình ở cơ sở. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình điển hình Mô hình “Tiếng loa an ninh”, hiện nay đã được triển khai tại các xã, phường đạt hiệu quả rất tích cực, giúp người dân nắm bắt thông tin một cách kịp thời về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; thời gian qua đã tuyên truyền được 54.568 cuộc, có 345.411 hộ nghe thông tin. Mô hình “Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội thông qua mạng xã hội Zalo” đã cập nhật tình hình mới về âm mưu, phương thức thủ đoạn của các loại tội phạm, các vấn đề được xã hội quan tâm, gương người tốt, việc tốt, hình ảnh đẹp trong cuộc sống. Từ đó, lan tỏa giá trị nhân văn trong cuộc sống đến các thành viên trong nhóm, góp phần phát huy hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, huy động sức mạnh của quần chúng Nhân dân trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh tổ quốc trên địa bàn. Thời gian qua, mô hình đã có 91 bài viết, chia sẻ, 1.073 lượt người quan tâm. Mô hình “Tủ sách pháp luật” tại các xã, phường, thị trấn cũng đã phát huy được hiệu quả. Đóng vai trò là nguồn kiến thức đáp ứng đủ nhu cầu về bổ sung và tìm hiểu kiến thức cho công chức và Nhân dân trên địa bàn. Qua những mô hình này đã giúp tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, ngăn ngừa thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nâng cao ý thức bài trừ các tệ nạn xã hội, nâng cao ý thức tham gia giao thông trong quần chúng Nhân dân; nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của các người dân được nâng lên, góp phần cùng cộng đồng hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy tại các địa bàn trọng điểm.

Ngoài ra, các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và địa phương đã tuyên truyền, PBGDPL tập trung vào 7 nhóm đối tượng là các tầng lớp Nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức; lực lượng vũ trang; lực lượng đoàn thể; học sinh, sinh viên; các chức sắc tôn giáo, đồng bào dân tộc; người lao động, người sử dụng lao động và công đoàn cơ sở. Các nội dung pháp luật tập trung tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tuyên truyền miệng, hội thi, tọa đàm, hòa giải, trợ giúp pháp lý,mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube...), phương tiện thông tin đại chúng,…Các Sở, ban, ngành và địa phương đã tổ chức 6.109 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL ước tính có trên 486.582 lượt người tham dự; cấp trên 945.223 tài liệu các loại về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hoá, dân tộc, tôn giáo; quản lý đất đai; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; phòng, chống các tệ nạn xã hội; an toàn giao thông. Riêng Sở Tư pháp đã tổ chức 186 hội nghị tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý lưu động cho trên 87.850 đại biểu là cán bộ, công chức, Nhân dân và học sinh thuộc các điểm trường tại các xã, phường trọng điểm, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; biên soạn và cấp phát miễn phí trên 8.000 tài liệu pháp luật cho các Tủ sách pháp luật tại điểm chùa Khmer, UBND cấp xã, Trưởng ban nhân dân khóm, ấp; trên 75.000 tài liệu pháp luật cho đối tượng học sinh tại điểm trường.

Hiện nay, Đề án đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra bằng việc triển khai đồng bộ các hình thức, giải pháp PBGDPL, qua đó cung cấp kịp thời cho cán bộ, Nhân dân các văn bản pháp luật mới, quan trọng về từng lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến cuộc sống, yêu cầu nhiệm vụ, công tác; góp phần tăng cường, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, đoàn thể cơ sở và người làm công tác PBGDPL, hòa giải cơ sở ở các địa bàn trọng điểm; nâng cao hiểu biết, ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ, Nhân dân; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội,... từng bước giảm số vụ việc và người vi phạm pháp luật, góp phần chuyển hóa địa bàn, tạo môi trường thuận lợi, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn trọng điểm.
Phòng PBGDPL - Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng