No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title...
video
thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 77
  • Trong tuần: 8 584
  • Trong tháng: 23 716
  • Tất cả: 600250
Lượt xem: 18
Đoàn công tác của Bộ Tư pháp thăm và làm việc tại Thái Lan
v
Thực hiện Quyết định số 2783/QĐ-BTP ngày 23/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do ông Nhâm Ngọc Hiển - Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực làm Trưởng đoàn và các thành viên là đại diện Bộ Công an; Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp; đại diện cơ quan tư pháp địa phương; đại diện UNHCR tại Việt Nam đã có chuyến khảo sát, học tập, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề về hộ tịch, quốc tịch cho đối tượng thuộc nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương và các vấn đề liên quan tại Thái Lan trong các ngày từ 27/11 - 01/12/2023.
Thái Lan là một trong những quốc gia ở khu vực Đông Nam Á có nhiều vấn đề về quốc tịch, hộ tịch tương đồng với Việt Nam, đã và đang triển khai khá tích cực, hiệu quả các hoạt động giải quyết vấn đề về hộ tịch, quốc tịch cho đối tượng thuộc nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, trong đó có người nhập cư. Việc khảo sát, tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan trong việc giải quyết các vấn đề về quốc tịch, hộ tịch và các vấn đề khác có liên quan sẽ giúp Việt Nam có thêm nhiều thông tin, kinh nghiệm để tham khảo, có giải pháp hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ được giao, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác với một số cơ quan có thẩm quyền Thái Lan thực hiện chức năng này.
Trong thời gian làm việc tại Thái Lan, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã gặp và làm việc với Cục Quản lý đăng ký hành chính - Bộ Nội vụ Thái Lan, Hội đồng an ninh quốc gia, Cục An ninh nội địa, Cục Điều tra đặc biệt là những cơ quan có thẩm quyền của Thái Lan có chức năng trong việc xây dựng chính sách, pháp luật và thực thi quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch, xác định – cấp quốc tịch, cấp số định danh cá nhân, giấy tờ tùy thân cho người thuộc nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương tại Thái Lan, trong đó tập trung vào người nhập cư vào Thái Lan[1].
 
Thăm và làm việc tại Cục Quản lý đăng ký hành chính
Đoàn đã được nghe đại diện của các cơ quan này chia sẻ về cơ cấu, tổ chức hoạt động của hệ thống cơ quan đăng ký hộ tịch, việc xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến việc xác minh tình trạng nhân thân, cấp số định danh cá nhân, giấy tờ cư trú cho người nhập cư, đặc biệt là chức năng, nhiệm vụ và sự phối hợp giữa các cơ quan từ chính quyền Trung ương tới các cơ quan ở địa phương trong việc quản lý, giải quyết các vấn đề về hộ tịch, quốc tịch, cấp giấy tờ tùy thân cho nhóm dân cư yếu thế[2]. Theo đó, Cục Quản lý đăng ký hành chính là đơn vị trực tiếp quản lý, hướng dẫn việc đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân, Thẻ căn cước cho người di cư, người chưa xác định được quốc tịch, người thuộc nhóm yếu thế tại Thái Lan. Hội đồng an ninh quốc gia là cơ quan quản lý, đệ trình việc cho nhập quốc tịch Thái Lan đối với người di cư, người không quốc tịch. Cục An ninh nội địa là cơ quan quản lý người nhập cư vào Thái Lan, bao gồm cả người nhập cư hợp pháp và người nhập cư không hợp pháp. Cục Điều tra đặc biệt bên cạnh chức năng là cơ quan điều tra, xử lý các vụ án lớn, đặc biệt quan trọng, còn là cơ quan trực tiếp thực hiện điều tra, xác minh nhân thân của người di cư, người chưa xác định được quốc tịch, giúp họ hoàn thiện hồ sơ xin nhập quốc tịch Thái Lan.
Bên cạnh đó, các cơ quan đã chia sẻ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch, quốc tịch của Thái Lan; cách thức, quy trình đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân cho trẻ em; việc cho nhập, cho thôi quốc tịch Thái Lan; việc quản lý người dân bằng số định danh cá nhân, thẻ căn cước; việc số hóa dữ liệu hộ tịch, dữ liệu cá nhân của người dân vào Cơ sở dữ liệu… Cục Quản lý đăng ký hành chính là cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu dân cư và có thẩm quyền chia sẻ dữ liệu của người dân cho các cơ quan liên quan (ngoại giao, hải quan, giáo dục, bảo hiểm, y tế…) để thực hiện quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính. Thái Lan đã thực hiện thu thập thông tin, xác minh, đánh giá tình trạng nhân thân để quản lý nhóm dân cư yếu thế chặt chẽ - thông qua cơ chế thu thập thông tin ngay từ cơ sở (làng, xã), bao gồm các thông tin về sinh trắc học (ảnh, vân tay, AND – nếu cần), các thông tin đều phải được kiểm chứng/làm chứng và được lưu trữ trong CSDL dân cư. Các cơ quan có liên quan có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với nhau trong việc giải quyết vấn đề hộ tịch, quốc tịch, cấp giấy tờ tùy thân cho họ. Hàng năm, Cục Điều tra đặc biệt đều phối hợp với cơ quan địa phương tiến hành điều tra, xác minh, tìm kiếm, phân loại những người dân thuộc nhóm đối tượng này để có phương án hỗ trợ, cấp giấy tờ tùy thân cho họ.
Trao đổi tại Hội đồng an ninh quốc gia Thái Lan
Đoàn công tác làm việc tại Cục An ninh nội địa Thái Lan
Trong các buổi làm việc, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp cũng đã chia sẻ những quy định pháp luật của Việt Nam về đăng ký hộ tịch, quốc tịch, đặc biệt là việc đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân, xác định quốc tịch cho trẻ em. Đồng thời, Phó Cục trưởng Nhâm Ngọc Hiển cũng chia sẻ những kết quả mà Bộ Tư pháp và các cơ quan của Việt Nam đã làm được trong việc giải quyết vấn đề hộ tịch, quốc tịch, cấp giấy tờ tùy thân cho nhóm đối tượng yếu thế. Về cơ bản, pháp luật Việt Nam và pháp luật Thái Lan về vấn đề hộ tịch, quốc tịch có nhiều quy định tương đồng như quy trình đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân hay nguyên tắc một quốc tịch xuyên suốt. Qua chia sẻ của các cơ quan của Thái Lan, Phó Cục trưởng Nhâm Ngọc Hiển cũng nhận định rằng có thể tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan về việc giải quyết vấn đề hộ tịch, quốc tịch, cấp giấy tờ tùy thân cho nhóm đối tượng yếu thế, nhất là việc phát huy năng lực, nguồn lực của đội ngũ Trưởng làng/thôn/bản/xóm… trong việc rà soát, phân loại nhóm đối tượng yếu thế, cơ chế xác minh, thu thập và quản lý thông tin nhân thân chặt chẽ để xem xét, giải quyết vấn đề hộ tịch, quốc tịch, cấp giấy tờ tùy thân cho họ. Các cơ quan của Thái Lan cũng rất quan tâm đến quy định của pháp luật Việt Nam, cũng như cách thức triển khai thực hiện và mong muốn sẽ có một buổi chia sẻ kinh nghiệm sâu hơn, cụ thể hơn tại Việt Nam.
Cũng trong đợt này, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan thông tin về mục đích chuyến công tác, trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về việc tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đăng ký hộ tịch, quốc tịch cho công dân Việt Nam đang cư trú, sinh sống tại Thái Lan. Đoàn công tác cũng đã có buổi gặp mặt và chào xã giao ông Giuseppe De Vincentiis - Trưởng đại diện UNHCR, Văn phòng đa quốc gia tại Thái Lan. Nhân dịp này, Phó Cục trưởng Nhâm Ngọc Hiển đã cảm ơn sự hỗ trợ của UNHCR đối với Bộ Tư pháp trong nhiều hoạt động trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, thực hiện Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 20/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ từ UNHCR để thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước vì mục tiêu ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng không xác định được quốc tịch tại Việt Nam trong tương lai.
Một số hình ảnh của Đoàn công tác
















[2] Theo chia sẻ, Thái Lan có 878 cơ quan đăng ký hộ tịch ở cấp quận, huyện và khoảng 2.000 cơ quan đăng ký hộ tịch cho người dân ở các xã, thị trấn. Thái Lan có khoảng 30.000 người thực hiện công tác đăng ký hộ tịch, trung bình mỗi điểm đăng ký hộ tịch ở Trung tâm hành chính cấp huyện sẽ có ít nhất 3 người, điểm lớn có đến 9 người thực hiện công tác này.

[1] Theo cung cấp của Cục Đăng ký quản lý hành chính, Thái Lan có khoảng 400.000 người nhập cư không có giấy tờ, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc.

 Nguyễn Phương Dung

Nguồn: qtht.moj.gov.vn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH SÓC TRĂNG
(Giấy phép số 02/GP-STTTT ngày 14/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông cấp)
Địa chỉ: 197 Hùng Vương, Phường 6, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 02993.825001
Email: banbientap.pbgdplst@gmail.com
Chịu trách nhiệm nội dung