Giải pháp kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2025 - 2030
Theo đó, Quyết định đã đưa ra giải pháp cụ thể như sau:
1. Tăng cường năng lực hệ thống quản lý và hoàn thiện chính sách về kiểm soát nhiễm khuẩn
(i) Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn và định kỳ sơ kết tổng kết kết quả thực hiện. (ii) Xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm soát nhiễm khuẩn giai đoạn 2025 - 2030 và hằng năm tại Sở Y tế, Y tế Bộ, Ngành và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản và cấp chuyên sâu; xác định rõ kinh phí cho từng nội dung hoạt động, phân công đơn vị, cán bộ chịu trách nhiệm chỉ đạo và theo dõi; tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo kết quả hằng năm. (iii) Thành lập Hội đồng chuyên môn tư vấn công tác kiểm soát nhiễm khuẩn của Bộ Y tế, Sở Y tế và Y tế Bộ, Ngành. (iv) Bổ sung nhân lực và nâng cao năng lực của đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, giám sát và hỗ trợ việc thực hiện các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn tại các đơn vị trực thuộc của Bộ Y tế, Sở Y tế, Y tế Bộ, Ngành và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. (v) Thống nhất nội dung, cơ chế phối hợp và tổ chức thực hiện các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn trong các chương trình y tế quốc gia như quản lý kháng thuốc, an toàn người bệnh, phòng chống dịch, phòng ngừa bệnh truyền nhiễm gây dịch, tiêm chủng, an toàn nghề nghiệp và an ninh sinh học. (vi) Cập nhật, chỉnh sửa Thông tư số 16/2018/TT-BYT quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và tổ chức triển khai thực hiện. (vii) Xây dựng, ban hành Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng kiểm soát nhiễm khuẩn và tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện. (viii) Cập nhật, xây dựng, bổ sung các chính sách, pháp luật, quy định, quy trình kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn và tổ chức triển khai thực hiện. (ix) Xây dựng, cập nhật, ban hành các quy định, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn dựa trên các quy định pháp luật, các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn của Bộ Y tế, có phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các bộ phận liên quan và tổ chức triển khai thực hiện. (x) Huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế và đối tác công - tư.
2. Đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn của nhân viên y tế
(i) Xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức đào tạo liên tục, đào tạo chuyên khoa về kiểm soát nhiễm khuẩn; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học về nhiễm khuẩn bệnh viện và kiểm soát nhiễm khuẩn, làm bằng chứng để cải thiện chất lượng kiểm soát nhiễm khuẩn và an toàn người bệnh. (ii) Đào tạo lực lượng chuyên gia về kiểm soát nhiễm khuẩn cấp quốc gia và cấp vùng. (iii) Đào tạo đội ngũ nhân lực phụ trách công tác kiểm soát nhiễm khuẩn các cấp. (iv) Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo E-learning về kiến thức, kỹ năng thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn ở nhân viên y tế thuộc các đối tượng khác nhau. (v) Tổ chức đào tạo thường niên cho nhân viên y tế các khoa lâm sàng, cận lâm sàng về các quy định, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng ngừa vi khuẩn đa kháng thuốc và các bệnh truyền nhiễm gây dịch. (vi) Mở rộng, xây dựng các trung tâm đào tạo và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩn.
3. Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của nhân viên y tế và cộng đồng về kiểm soát nhiễm khuẩn
(i) Tổ chức các chiến dịch quốc gia và địa phương về kiểm soát nhiễm khuẩn, tập trung vào vệ sinh tay, sử dụng kháng sinh hợp lý và phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện. (ii) Sử dụng đa dạng các kênh truyền thông để truyền bá, nâng cao nhận thức về kiểm soát nhiễm khuẩn. (iii) Phổ biến các quy định, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn lên trang Web của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu và cấp cơ bản để mọi nhân viên y tế tiếp cận, học tập. (iv) Lồng ghép phổ biến kiến thức kiểm soát nhiễm khuẩn trong các buổi họp hội đồng người bệnh. Khuyến khích người bệnh và thân nhân người bệnh tham gia vào giám sát thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu và cấp cơ bản. (v) Xây dựng và phổ biến các posters về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.
4. Tăng cường đầu tư và từng bước chuẩn hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kiểm soát nhiễm khuẩn
(i) Hướng dẫn áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn để thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn. (ii) Rà soát và nâng cấp hệ thống cung cấp nước sạch, nơi thu gom chất thải rắn tập trung và hệ thống xử lý nước thải y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu và cấp cơ bản nhằm đạt chuẩn theo quy định. (iii) Rà soát và xây dựng các buồng cách ly đạt chuẩn tại các khoa lâm sàng, các khu vực sàng lọc, cách ly người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm các bệnh truyền nhiễm gây dịch tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu và cấp cơ bản. (iv) Rà soát, cải tạo và đầu tư trang thiết bị cho trung tâm tiệt khuẩn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu và cấp cơ bản. (v) Cung cấp các nguồn lực bổ sung cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu và cấp cơ bản nơi tập trung nhóm nguy cơ cao.
5. Phát triển, vận hành và phát huy hiệu quả hệ thống giám sát kiểm soát nhiễm khuẩn
(i) Phát triển, nâng cấp hệ thống giám sát và quản lý dữ liệu kiểm soát nhiễm khuẩn quốc gia. (ii) Thiết lập và triển khai giám sát tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu và cấp cơ bản, báo cáo dữ liệu Kiểm soát nhiễm khuẩn. (iii) Thiết lập và triển khai giám sát chủ động, liên tục 4 loại nhiễm khuẩn bệnh viện thường gặp (nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn phổi) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu và cấp cơ bản, báo cáo dữ liệu nhiễm khuẩn bệnh viện. (iv) Thiết lập và triển khai giám sát, phòng ngừa các nhiễm khuẩn bệnh viện do các vi sinh vật đa kháng thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu và cấp cơ bản, báo cáo dữ liệu theo quy định. (v) Thiết lập và triển khai giám sát, phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm gây dịch tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu và cấp cơ bản, báo cáo dữ liệu theo quy định. (vi) Thiết lập và triển khai giám sát sử dụng kháng sinh dự phòng ở người bệnh phẫu thuật tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu và cấp cơ bản, báo cáo dữ liệu theo quy định. (vii) Xây dựng, triển khai các đề án cải thiện chất lượng phòng ngừa chuẩn, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường bề mặt, khử khuẩn tiệt khuẩn dụng cụ tập trung, quản lý chất thải và nhân rộng mô hình tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu và cấp cơ bản. (viii) Xây dựng, triển khai các đề án cải thiện chất lượng phòng ngừa nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tiết niệu và nhiễm khuẩn bệnh viện do vi khuẩn đa kháng thuốc và nhân rộng mô hình tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu và cấp cơ bản. (ix) Thực hiện đánh giá chất lượng kiểm soát nhiễm khuẩn hằng năm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. (x) Phân tích, báo cáo dữ liệu giám sát hằng năm và đưa ra các biện pháp cải tiến kịp thời. (xi) Công bố công khai các báo cáo kiểm soát nhiễm khuẩn quốc gia để bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm. (xii) Bố trí các chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn quốc tế và trong nước hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai hoạt động giám sát và cải thiện chất lượng kiểm soát nhiễm khuẩn.
6. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn
(i) Xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu khoa học về kiểm soát nhiễm khuẩn. (ii) Xây dựng và triển khai các biện pháp thu hút nguồn vốn cho nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn. (iii) Triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học về kiểm soát nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn bệnh viện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có nghiên cứu khoa học về chi phí cho kiểm soát nhiễm khuẩn làm cơ sở tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. (iv) Huy động sự hỗ trợ và phối hợp của WHO và các tổ chức quốc tế để thực hiện các dự án nghiên cứu về kiểm soát nhiễm khuẩn, đặc biệt là các biện pháp phù hợp với điều kiện tại Việt Nam. (v) Tổ chức các hội nghị thường niên, hội thảo khoa học chuyên đề kiểm soát nhiễm khuẩn cấp khu vực, toàn quốc và cơ sở. (vi) Phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu, hội nghề nghiệp để phát triển các giải pháp kiểm soát nhiễm khuẩn mới. (vii) Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và cảm biến thông minh trong giám sát kiểm soát nhiễm khuẩn và dự đoán xu hướng nhiễm khuẩn bệnh viện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu và cấp cơ bản. (viii) Áp dụng hệ thống khử trùng tự động và các công nghệ hiện đại trong phòng mổ và khu cách ly tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu và cấp cơ bản. (ix) Tăng cường vận động tài trợ của các tổ chức quốc tế, phi chính phủ và các chương trình dự án liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn để triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học về kiểm soát nhiễm khuẩn, đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện, vi khuẩn kháng thuốc và các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây dịch.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành./.
Tấn Hòa