Qua kết quả rà soát, đánh giá hiệu quả việc quản lý, khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2019 cho thấy mô hình Tủ sách pháp luật toàn tỉnh hiện có 580 Tủ sách pháp luật, với khoảng 52.644 đầu sách. Hoạt động của Tủ sách pháp luật trong thời gian qua đã góp phần phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành giải quyết công việc chuyên môn của cơ quan, đơn vị, địa phương và đáp ứng được nhu cầu thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, học tập các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và Nhân dân trong tỉnh. Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật ở một số cơ quan, đơn vị địa phương thì việc quản lý, khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế (kinh phí bố trí cho công tác này còn hạn hẹp; sách, tài liệu phục vụ chuyên môn vẫn còn ít, nguồn sách chưa phong phú, công nghê thông tin ngày càng phát triển người đọc có thể tìm nguồn tài liệu từ Internet, số lượng người đến đọc, mượn sách còn ít,…) dẫn đến hiệu quả khai thác Tủ sách pháp luật ở một số nơi chưa cao.
Trước tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh và để triển khai đồng bộ, nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg, ngày 13-3-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có công văn đề nghị các sở, ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Đoàn thể cấp tỉnh và UBND cấp huyện triển khai thực hiện có hiệu quả đối với công tác này.
Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 49 xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo (xã đặc biệt khó khăn) và 59 tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân đã được xây dựng theo Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật tiếp tục được duy trì, củng cố theo quy định Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg.
Đối với Tủ sách pháp luật tại cấp xã, tùy tình hình thực tế của địa phương đã thực hiện sáp nhập thành bộ phận sách, tài liệu pháp luật của Thư viện hoặc điểm Bưu điện – Văn hóa, Trung tâm học tập cộng đồng,… và hiện đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn cấp xã. Kinh phí xây dựng, quản lý, khai thác sách, tài liệu được bố trí trong kinh phí hoạt động của thiết chế văn hóa – thông tin nơi mà Tủ sách pháp luật được sáp nhập; việc sáp nhập được hoàn thành trước ngày 31-12-2020. Đặc biệt, hiện các cơ quan, đơn vị đang lựa chọn sách, tài liệu phù hợp có giá trị để số hóa, cập nhật trên dữ liệu thành phần của Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia theo phạm vi, thẩm quyền quản lý.
Như vậy, Tủ sách pháp luật ở các xã đặc biệt khó khăn, Tủ sách ở cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân đã được điều chỉnh, nâng cao phù hợp với tình hình thực tế; Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia chuẩn bị ra đời. Điều này khẳng định, Tủ sách pháp luật không mất đi vai trò, vị trí, ý nghĩa của mình mà ngày càng được đầu tư, đổi mới, nâng chất và phát huy hiệu quả ở một tầm cao mới.
Phòng PBGDPL