Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tư pháp năm 2021 và triển khai công tác tư pháp năm 2022

Trong năm 2021, công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật tiếp tục có nhiều kết quả tích cực. Bộ, ngành Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đã tập trung tham mưu triển khai, thể chế hóa những quan điểm, mục tiêu, định hướng chính sách, nhiệm vụ trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ tham gia tích cực, hiệu quả vào việc xây dựng Định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Các bộ, ngành đã trình Chính phủ, Thủ tướng chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 784 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Ở các địa phương, đã ban hành 3.619 VBQPPL cấp tỉnh; ban hành 1.891 VBQPPL cấp huyện; có 2.588 VBQPPL cấp xã.

Công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát VBQPPL và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật chất lượng tiếp tục được nâng cao, tiến độ được bảo đảm, nhất là ở những quy định liên quan trực tiếp tới quyền con người, quyền công dân, quyền tự do kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm thiết lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng, thuận lợi hơn. Toàn Ngành đã kiểm tra theo thẩm quyền 12.366 VBQPPL, rà soát được 29.955 VBQPPL, kiến nghị xử lý (sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới) đối với 5.581 văn bản. Cả nước đã tổ chức 628.972 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp, phát miễn phí hơn 68.6 triệu bản tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục góp phần quan trọng trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, xây dựng sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư; giúp ổn định an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội ngay từ cơ sở, xây dựng sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Trong năm, các Hòa giải viên đã tiếp nhận 94.463 vụ việc, với tỷ lệ hòa giải thành trung bình là 80.23%.

Năm 2022, tập trung tham mưu thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Tiếp tục tham gia hiệu quả trong việc xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành và tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Tổ chức thi hành hiệu quả VBQPPL, nhất là các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua và “chùm” Nghị định quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, chú trọng hoàn thiện pháp luật;...
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao vai trò và kết quả đạt được của ngành Tư pháp trong năm qua. Đồng thời, trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị bộ, ngành tư pháp cần nêu cao hơn nữa nhận thức vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế từ đó giải quyết hiệu quả các vấn đề pháp lý diễn ra trong thực tiễn; tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, phát huy giá trị con người lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể trọng tâm trong xây dựng và thực thi pháp luật; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời các chương trình, kế hoạch công tác để cụ thể hóa nhiệm vụ được giao và theo yêu cầu, bảo đảm tính khả thi, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các bộ, ngành và của địa phương; tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và thực thi của các cấp Chính quyền, sử dụng hiệu quả nguồn lực của doanh nghiệp, của người dân; đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế tập trung vào đầu tư về chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính, chế độ chính sách; tiếp tục đổi mới tư duy, lề lối làm việc, hành động quyết liệt hơn, tận dụng tốt cơ hội để đưa công tác tư pháp phát triển.
Phòng PBGDPL