Những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội huyện Kế Sách năm 2023

Kế Sách đón chào Xuân mới
Với việc đạt 100,45% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, cây ăn trái đã hoàn thành “sứ mệnh” là cây trồng chủ lực trong tăng trưởng kinh tế của huyện. Theo đó, trong năm 2023, diện tích cây ăn trái toàn huyện Kế Sách đạt 18.081 ha. Các hợp tác xã, tổ hợp tác không ngừng được quan tâm, củng cố, làm tốt vai trò cầu nối trong liên kết tiêu thụ với 118,4 tấn vú sữa xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, 16,5 tấn sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 1000 tấn bưởi được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang châu Âu. Việc thay đổi tư duy canh tác của bà con đã tạo điểm nhấn cho kinh tế vườn tại địa phương. Các mô hình sản xuất theo hướng sạch, an toàn, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng đã đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng, mang đến hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn.
Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Xóm Đồng 2 - Phạm Văn Dảo cho biết: Lúc đầu khi mình khuyến khích chuyển đổi sang trồng hữu cơ thì một số thành viên cũng boăn khoăn. Giờ họ thấy được hiệu quả mang lại nên tuân thủ theo, nhờ vậy giá bán cao mà đầu ra cũng thuận lợi…
Công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện rất được quan tâm. Năm 2023, Kế Sách đã triển khai và xây dựng hoàn thành 340 căn nhà cho các đối tượng. Bên cạnh đó, huyện cũng đã xây dựng được 121 căn nhà cho các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội được các cấp, các ngành địa phương quan tâm, chỉ đạo, thực hiện kịp thời, đúng mục tiêu, đúng đối tượng đã mang lại hiệu quả cao, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa thực hiện công bằng xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm còn 6,44 %.
Niềm vui an cư không chỉ làm mùa xuân thêm rộn ràng, mà đó còn là tiền đề quan trọng để người dân nỗ lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống. Bà Sơn Sa Ry - ấp Bồ Đề, xã Kế An, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: Nhà tôi hồi đó dột trước dột sau, không có chỗ ngủ. Nhà nước cho được cái nhà, tôi rất mừng, rất cảm ơn...
Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn Kế Sách không ngừng được cải thiện. Nhiều tuyến đường từ huyện đến xã được đầu tư xây dựng đã hoàn thiện và đưa vào khai thác. Một số tuyến đường đang được nâng cấp, mở rộng như đường Huyện 7, đường Huyện 4, đường Huyện 3… tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của bà con, thúc đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tính đến đầu tháng 11/2023, đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện có 5/13 xã đạt từ 8 chỉ tiêu, trong đó xã An Lạc Tây đạt 14 chỉ tiêu. Đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới, Kế Sách có 6/13 xã đạt từ 15 chỉ tiêu, riêng xã Trinh Phú qua đánh giá của các sở, ngành đạt 19/19 tiêu chí đang trình tỉnh công nhận.
Anh Tạ Hoàng Nhơn - ấp Cây Sộp, xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trước đây, lúc Nhà nước chưa đầu tư, đường đi ở đây lầy lội, bà con cũng như học sinh đi lại rất khó khăn, bà con vận chuyển rau quả, trồng trọt vận chuyển hàng hóa đi bán rất khó, phải có xuồng, ghe mới đi được. Nhờ Nhà nước đầu tư, việc vận chuyển rau màu bằng xe được thuận lợi, bán có giá, các em học sinh và bà con rất phấn khởi vì giao thông thông suốt…
Xuân đang về trên khắp đất trời quê hương, tại huyện Kế Sách người dân cũng đang hân hoan chào đón năm mới trong niềm vui phấn khởi, khi huyện đạt và vượt 28/28 chỉ tiêu Nghị quyết. Với nhiều điểm son trong hoạt động kinh tế - xã hội đã làm bừng lên sức sống mới cho địa phương. Những con đường được bê tông hóa sạch đẹp, những ngôi nhà khang trang san sát nhau, cho thấy một cuộc sống ấm no, đang hiện hữu rõ hơn bao giờ hết.
Đồng chí Cao Minh Thơm – Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, thông tin: Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề thực hiện hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025. Để thực hiện những nhiệm vụ nêu trên, Ủy ban nhân dân huyện sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là, tập trung nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất theo mô hình ứng dụng chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và quy trình sản xuất sạch, hữu cơ, VietGAP cho các hộ nông dân. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất tham gia đăng ký Chương trình OCOP. Hỗ trợ xúc tiến liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi và duy trì, khuyến khích mở rộng thêm các điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại địa phương. Triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Hai là, tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo kế hoạch, định hướng của tỉnh đến năm 2025, phát huy tối đa lợi thế của địa phương, trọng tâm là đầu tư kết cấu hạ tầng và thu hút, triển khai các dự án thứ cấp trong Cụm công nghiệp An Lạc Thôn 1, An Lạc Thôn 2. Tiếp tục quan tâm triển khai đầu tư xây dựng bến phà Trà Ếch - Đường Đức và việc đầu tư chỉnh trang, phát triển đô thị trung tâm của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Ba là, thực hiện có hiệu quả các giải pháp điều hành ngân sách nhà nước. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, khai thác các nguồn thu, chống thất thu. Tổ chức chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi, đặc biệt là đảm bảo đủ nguồn chi thực hiện các chế độ hỗ trợ từ ngân sách để chi cho công tác an sinh xã hội. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng cơ bản đúng theo Luật đầu tư công, trên cơ sở các danh mục dự án đã được Hội đồng nhân dân huyện thông qua. Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, tiến độ giải ngân nguồn vốn và đảm bảo chất lượng của công trình, dự án đúng quy định.
Bốn là, triển khai thực hiện lồng ghép, có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện, cùng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời triển khai kết hợp các giải pháp khuyến khích, tạo động lực, ý chí vươn lên thoát nghèo cho hộ nghèo.
Năm là, tăng cường công tác bảo đảm quốc phòng an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội trong mọi tình huống. Nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo thẩm quyền, tránh tình trạng để kéo dài hoặc giải quyết thiếu dứt khoát, không minh bạch gây bức xúc cho người dân. Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả kế hoạch cải cách hành chính, nhất là tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3 và 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Mỗi một mùa xuân, vùng đất ngọt mỗi chuyển mình thay áo mới. Những khó khăn thách thức tạo áp lực nhưng cũng hun đúc tinh thần, quyết tâm tìm và mở ra những giải pháp, những hướng đi sáng tạo, phù hợp cho địa phương. Những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội huyện Kế Sách, bên cạnh sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt và thường xuyên của Tỉnh ủy, còn là kết quả của sự đồng lòng chung sức từ nhân dân và cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã. Những khởi sắc đó không chỉ khẳng định hướng đi đúng của địa phương, mà còn là nền tảng, động lực để huyện ra sức hoàn thành và đột phá hơn nữa, trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên chặng đường mới 2024.
Ngọc Nương
Nguồn: soctrang.dcs.vn