Theo Kế hoạch, phạm vi kiểm tra bao gồm các lĩnh vực: Đăng ký, quản lý hộ tịch; nuôi con nuôi; chứng thực; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; chuẩn tiếp cận pháp luật; xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật và một số công tác khác thuộc lĩnh vực Tư pháp ở cấp xã. Mốc thời gian kiểm tra công tác tư pháp từ 01/7/2023 đến 30/5/2024.
Tại các buổi kiểm tra cho thấy cấp ủy, UBND các xã, thị trấn đã có sự quan tâm chỉ đạo, triển khai kịp thời các mặt công tác tư pháp trên địa bàn cơ bản hoàn thành tiến độ kế hoạch đề ra. Các quy trình, thủ tục được thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo sự quản lý của nhà nước, đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính liên quan về hộ tịch, chứng thực, nhu cầu tìm hiểu pháp luật trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp ở địa phương vẫn còn một số hạn chế trong công tác hộ tịch, chứng thực và một số xã, thị trấn còn thiếu trang thiết bị phục vụ cho công tác chứng thực điện tử; tốc độ đường truyền mạng internet chưa đáp ứng yêu cầu triển khai các phần mềm chuyên môn của ngành.
Thông qua kết quả theo dõi, kiểm tra, Đoàn đã nắm được tình hình, thực trạng công tác tư pháp ở địa phương, kịp thời phát hiện những hạn chế. Từ đó có sự đôn đốc, chấn chỉnh, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp. Qua kiểm tra cũng giúp cho các địa phương có điều kiện để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao của đơn vị mình; nâng cao ý thức trách nhiệm, rút ra những bài học kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ và phục vụ yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong thời gian tới trên địa bàn./.
Nguyễn Lý Hồng Nhung - Phòng Tư pháp Châu Thành