Theo đó, Thông tư quy định như sau:
Danh mục các thiết bị, dụng cụ điện phải kiểm định
1. Các thiết bị điện sử dụng ở môi trường không có nguy hiểm về khí cháy, bụi nổ có cấp điện áp danh định trên 01 kV, bao gồm: Chống sét van; Máy biến áp; Máy cắt; Cáp điện; Cầu dao cách ly, cầu dao tiếp địa.
2. Dụng cụ điện phải kiểm định: Sào cách điện.
Nội dung kiểm định
Nội dung kiểm định được quy định trong các quy trình kiểm định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 02/2025/TT-BCT này tương ứng với từng loại thiết bị, dụng cụ điện.
Chu kỳ kiểm định
1. Kiểm định lần đầu được thực hiện trước khi đưa vào sử dụng, vận hành thiết bị, dụng cụ điện.
2. Kiểm định định kỳ được thực hiện trong quá trình sử dụng, vận hành thiết bị, dụng cụ điện: Đối với các thiết bị điện trong dây chuyền đang vận hành không thể tách rời để kiểm định riêng lẻ, được kiểm định theo chu kỳ đại tu dây chuyền thiết bị; Đối với thiết bị điện trên hệ thống điện quốc gia được chủ đầu tư áp dụng phương pháp sửa chữa bảo dưỡng theo tình trạng thiết bị hoặc phương pháp sửa chữa bảo dưỡng hướng đến độ tin cậy theo tiêu chuẩn tương ứng, chủ đầu tư căn cứ kết quả phân tích, đánh giá tình trạng thiết bị để quyết định chu kỳ và hạng mục kiểm định, bảo đảm chu kỳ thực hiện không quá 72 (bẩy mươi hai) tháng; Đối với các thiết bị, dụng cụ điện không thuộc điểm a, điểm b khoản này, được kiểm định định kỳ theo quy định của nhà sản xuất, nhưng không quá 36 (ba mươi sáu) tháng.
3. Kiểm định bất thường: Thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi đã khắc phục xong sự cố, sau đại tu, sửa chữa hoặc theo nhu cầu của các tổ chức, cá nhân sử dụng, vận hành thiết bị, dụng cụ điện.
Quy trình kiểm định
1. Tổ chức kiểm định có trách nhiệm thực hiện các bước kiểm định theo quy trình đã ban hành.
2. Xử lý kết quả sau kiểm định: Thiết bị, dụng cụ điện sau kiểm định đạt yêu cầu phải được dán tem kiểm định ở vị trí dễ quan sát và tránh được tác động không có lợi của môi trường và được cấp giấy chứng nhận kiểm định sử dụng bản giấy hoặc bản điện tử; Thiết bị, dụng cụ điện sau kiểm định không đạt yêu cầu thì không cấp giấy chứng nhận kiểm định mới và xóa tem kiểm định cũ (nếu có), chỉ cấp biên bản kiểm định trong đó nêu rõ lý do không đạt; Trường hợp thiết bị, dụng cụ điện ở vị trí không thể thực hiện việc dán tem theo điểm a khoản 2 Điều 15 Thông tư số 02/2025/TT-BCT này thì khi kết thúc kiểm định được cấp Giấy chứng nhận kiểm định.
3. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm định, tổ chức, kiểm định có trách nhiệm cấp biên bản kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định cho tổ chức, cá nhân sử dụng, vận hành thiết bị, dụng cụ điện được kiểm định. Nội dung chính của giấy chứng nhận kiểm định theo Biểu mẫu II.7 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 02/2025/TT-BCT này.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng, vận hành thiết bị, dụng cụ điện
1. Lập danh sách thiết bị, dụng cụ điện phải kiểm định.
2. Lựa chọn tổ chức kiểm định thiết bị, dụng cụ điện đáp ứng quy định tại Điều 17 Thông tư số 02/2025/TT-BCT này.
3. Có biện pháp bảo đảm an toàn cho kiểm định viên của tổ chức kiểm định khi thực hiện kiểm định và hệ thống thiết bị điện liên quan đang vận hành theo các quy định của Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn liên quan đến an toàn điện.
4. Duy trì và đảm bảo sự phù hợp của các thiết bị và dụng cụ điện trong quá trình sử dụng sau khi được kiểm định, theo các yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nước ngoài được áp dụng tại Việt Nam.
5. Lưu giữ hồ sơ kết quả kiểm định bản giấy hoặc bản điện tử. Thời gian lưu giữ tối thiểu 02 (hai) chu kỳ kiểm định liên tiếp.
Trách nhiệm của tổ chức kiểm định
1. Tổ chức kiểm định phải đáp ứng yêu cầu tại Điều 9 Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh đánh giá sự phù hợp và được Bộ Công Thương cấp giấy đăng ký hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị dụng cụ điện theo quy định. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện thực hiện theo quy định tại Điều 10, Điều 11 và Điều 12 Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ.
2. Ban hành quy trình kiểm định trên cơ sở quy trình kiểm định quy định tại Điều 15 Thông tư số 02/2025/TT-BCT này và các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa gửi cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định để quản lý, kiểm tra, giám sát.
3. Thực hiện việc kiểm định thiết bị, dụng cụ điện trong phạm vi được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định và theo đúng quy trình kiểm định đã đăng ký, bảo đảm chất lượng, và thời gian thực hiện.
4. Bảo đảm tính chính xác của hồ sơ đăng ký hoạt động kiểm định và duy trì đầy đủ năng lực kiểm định đáp ứng điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa.
5. Bảo đảm các máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động kiểm định phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về đo lường và pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Chỉ được sử dụng máy móc, thiết bị của tổ chức, đơn vị khác để thực hiện kiểm định khi có hợp đồng thuê, mượn máy móc, thiết bị với tổ chức, đơn vị sở hữu thiết bị.
6. Chỉ được sử dụng kiểm định viên thuộc tổ chức kiểm định khác để thực hiện kiểm định khi đã có thỏa thuận hợp tác bằng văn bản với tổ chức kiểm định ký hợp đồng lao động với kiểm định viên.
7. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm định của kiểm định viên thuộc thẩm quyền quản lý và kiểm định viên thuộc tổ chức kiểm định có thỏa thuận hợp tác bằng văn bản để thực hiện kiểm định.
8. Tổ chức kiểm định thiết bị, dụng cụ điện có cấp điện áp từ 110 kV trở lên phải có ít nhất 04 kiểm định viên trình độ từ đại học trở lên, thuộc chuyên ngành kỹ thuật phù hợp với đối tượng kiểm định, có kinh nghiệm tối thiểu 24 tháng trong lĩnh vực kiểm định hoặc lĩnh vực chuyên môn có liên quan, đã hoàn thành khóa học huấn luyện, sát hạch đạt yêu cầu về nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn với đối tượng kiểm định.
9. Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, cấp thẻ kiểm định viên thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị dụng cụ điện theo quy định của pháp luật.
10. Trước ngày 30 tháng 01 hằng năm, tổ chức kiểm định có trách nhiệm báo cáo định kỳ kết quả hoạt động kiểm định của năm trước về Bộ Công Thương hoặc đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
11. Báo cáo Bộ Công Thương về mọi thay đổi có ảnh hưởng đến năng lực hoạt động kiểm định đã đăng ký trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày có sự thay đổi.
12. Thực hiện đầy đủ các quy định của Thông tư số 02/2025/TT-BCT này, quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh đánh giá sự phù hợp và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Trách nhiệm của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp
1. Giao Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp là cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đăng ký cấp mới, cấp bổ sung, sửa đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định của tổ chức kiểm định theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 10, Điều 11 và Điều 12 Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, được sửa đổi bổ sung tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành. Bộ trưởng Bộ Công Thương ủy quyền cho Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp ký thừa ủy quyền cấp mới, cấp bổ sung, sửa đổi, cấp lại và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định của tổ chức kiểm định theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
2. Công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương danh sách các tổ chức kiểm định và thông tin về Bộ Khoa học và Công nghệ trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định.
3. Có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định trong lĩnh vực kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện của các tổ chức kiểm định, các tổ chức, cá nhân sử dụng, vận hành thiết bị, dụng cụ điện.
4. Hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện của tổ chức kiểm định, các tổ chức, cá nhân sử dụng, vận hành thiết bị, dụng cụ điện trên địa bàn quản lý.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày ký./.
MH