No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title...
video
thống kê truy cập
  • Đang online: 24
  • Hôm nay: 175
  • Trong tuần: 3 074
  • Trong tháng: 18 206
  • Tất cả: 594740
Lượt xem: 6
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo
Ngày 12/03/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Theo đó, Nghị định số 65/2025/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 4 Điều 8 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Vùng biển ven bờ có ranh giới trong là đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm và ranh giới ngoài cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm một khoảng cách tương ứng là 06 hải lý.”

b) Bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm

a) Đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm được tính toán, xác định trên cơ sở giá trị mực nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của các điểm có giá trị đặc trưng mực nước triều được tính trong 18,6 năm và loại hình bờ biển (bờ biển là sườn núi đá, vách núi đá; bờ biển tự nhiên có độ dốc lớn hơn hoặc bằng 45 độ; bờ biển tự nhiên có độ dốc nhỏ hơn 45 độ; bờ biển có công trình xây dựng đê biển, kè biển), trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Đối với các đoạn bờ biển bị gián đoạn bởi các cửa sông, cửa đầm, phá, đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm được xác định bằng cách nối hai điểm gần nhất thuộc đường mép nước biển thấp trung bình trong nhiều năm đã xác định tại hai bên cửa sông, cửa đầm, phá.

Đối với khu vực lấn biển đã hoàn thành theo quy định của pháp luật thì đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm là ranh giới ngoài của khu vực lấn biển;

c) Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định và công bố các điểm có giá trị đặc trưng mực nước triều; xác định và công bố đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đất liền và đảo có diện tích lớn nhất thuộc các huyện đảo; hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh có biển xác định đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm; đường ranh giới ngoài vùng biển 03 hải lý và vùng biển 06 hải lý của các đảo.

Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển xác định và công bố đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm; đường ranh giới ngoài vùng biển 03 hải lý và vùng biển 06 hải lý của các đảo của các đảo thuộc phạm vi quản lý trừ đảo có diện tích lớn nhất của các huyện đảo;

d) Đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của các đoạn đường bờ biển được rà soát, chỉnh lý sau khi hoàn thành dự án đầu tư lấn biển hoặc hạng mục lấn biển trong dự án đầu tư hoặc khi có sự thay đổi hiện trạng đường bờ biển, địa hình làm thay đổi đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đã được công bố.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có biển thực hiện rà soát, xác định, chỉnh lý, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét, công bố đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm phần đất liền và các đảo có diện tích lớn nhất thuộc các huyện đảo đã được công bố; rà soát, xác định, chỉnh lý và công bố đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của các đảo thuộc phạm vi quản lý trừ đảo có diện tích lớn nhất của các huyện đảo.”

2. Bổ sung Điều 35a vào sau Điều 35 như sau:

“Điều 35a. Điều chỉnh Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển

1. Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển được xem xét, điều chỉnh trong các trường hợp sau đây:

a) Do yêu cầu về quốc phòng, an ninh; phòng, chống thiên tai;

b) Do tác động của thiên tai hoặc các trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật dân sự mà khu vực hành lang bảo vệ bờ biển không còn đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

c) Điều chỉnh cho phù hợp với Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, Quy hoạch tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

d) Thay đổi mục đích sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai;

đ) Bổ sung các khu vực cần thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển khi đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

2. Việc điều chỉnh, lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan; phê duyệt điều chỉnh Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thực hiện được thực hiện như việc lập Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định tại Điều 31, Điều 32, Điều 33, Điều 34 và Điều 35 Nghị định này.”

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 40 như sau:

“1. Ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển được xem xét, điều chỉnh trong các trường hợp sau đây:

a) Do yêu cầu về quốc phòng, an ninh; phòng, chống thiên tai;

b) Có sự biến động lớn về đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm ở khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển;

c) Do tác động của thiên tai hoặc các trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật dân sự mà một phần phạm vi khu vực hành lang bảo vệ bờ biển không còn đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

d) Điều chỉnh cho phù hợp với Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, Quy hoạch tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

đ) Thay đổi mục đích sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai.”

4. Bổ sung khoản 4 Điều 49 như sau:

“4. Trong quá trình thực hiện Giấy phép nhận chìm ở biển, tổ chức, cá nhân được phép thay đổi, bổ sung phương tiện chuyên chở và phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã cấp Giấy phép nhận chìm ở biển trước khi thực hiện.”

5. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 51 như sau:

“b) Tăng khối lượng vật, chất được nhận chìm; thay đổi ranh giới, diện tích khu vực biển sử dụng để nhận chìm.”

6. Sửa đổi, bổ sung điểm c, điểm đ khoản 1 và điểm d, điểm e khoản 5 Điều 54 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:

“c) Bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan có thẩm quyền; báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường được nêu trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường không phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép nhận chìm ở biển;”

b) Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 1 như sau:

“đ) Bản đồ khu vực biển đề nghị được sử dụng để nhận chìm được lập theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.”

c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 như sau:

“d) Bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan có thẩm quyền; báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường được nêu trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép nhận chìm ở biển do có sự thay đổi quy mô nhận chìm; ranh giới, diện tích khu vực biển sử dụng để nhận chìm trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường không phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Giấy phép nhận chìm ở biển;”

d) Sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 5 như sau:

“e) Bản đồ khu vực biển trong trường hợp có sự thay đổi về ranh giới, diện tích khu vực biển đề nghị sử dụng để nhận chìm được lập theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.”

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 55 như sau:

“Điều 55. Cơ quan tiếp nhận và thẩm định hồ sơ; hình thức tiếp nhận, trả kết quả giải quyết hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển

1. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đề nghị giao, trả lại khu vực biển; gia hạn, sửa đổi, bổ sung Quyết định giao khu vực biển theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

2. Cơ quan thẩm định hồ sơ:

a) Cục Biển và Hải đảo Việt Nam là cơ quan thẩm định hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Môi trường;

b) Sở Nông nghiệp và Môi trường là cơ quan thẩm định hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Hình thức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.”

8. Bổ sung khoản 5 Điều 56 như sau:

“5. Cơ quan, người có thẩm quyền chỉ chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết thủ tục khác có liên quan đến hoạt động nhận chìm ở biển theo quy định tại Nghị định này; không chịu trách nhiệm về những nội dung đã được cơ quan, người có thẩm quyền khác chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó.”

9. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 57 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 như sau:

“a) Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ gửi qua đường bưu điện, ngày nhận hồ sơ là ngày bưu điện chuyển cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ;”

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 như sau:

“2. Việc thẩm định hồ sơ thực hiện như sau:

Trong thời hạn không quá 60 ngày đối với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhận chìm ở biển; không quá 45 ngày đối với hồ sơ đề nghị gia hạn, trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển; không quá 30 ngày đối với hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép nhận chìm ở biển và không quá 15 ngày đối với hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép nhận chìm ở biển kể từ ngày ra văn bản tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thẩm định hồ sơ có trách nhiệm:

a) Hoàn thành việc thẩm định hồ sơ theo các nội dung quy định tại Điều 56 Nghị định này. Kết luận thẩm định phải được lập thành văn bản.

Trường hợp cần thiết, cơ quan thẩm định hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ; gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan; tổ chức kiểm tra thực địa.

Trường hợp thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển ban hành quyết định thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ. Thành phần Hội đồng thẩm định bao gồm 01 Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển, 01 Phó Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo cơ quan thẩm định hồ sơ, 01 Ủy viên thư ký, 02 Ủy viên phản biện và các Ủy viên, trong đó có ít nhất 1/3 (một phần ba) thành viên Hội đồng có chuyên môn liên quan đến việc đánh giá sự phù hợp của hoạt động nhận chìm đối với môi trường, hệ sinh thái biển. Thành viên Hội đồng thẩm định chịu trách nhiệm về những nhận xét, đánh giá đối với hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển. Hội đồng thẩm định làm việc theo nguyên tắc thảo luận công khai giữa các thành viên hội đồng thẩm định. Phiên họp của Hội đồng thẩm định chỉ được tiến hành khi có sự tham gia tại phiên họp (trực tiếp hoặc trực tuyến) từ 2/3 (hai phần ba) số lượng thành viên Hội đồng thẩm định trở lên, trong đó phải có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được ủy quyền, ủy viên thư ký và ít nhất 01 ủy viên phản biện.

Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển được mời tham gia phiên họp của Hội đồng thẩm định.

Trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến kèm theo đầy đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm phải trả lời bằng văn bản.

Thời gian kiểm tra thực địa không quá 10 ngày. Thời gian lấy ý kiến và kiểm tra thực địa không tính vào thời gian thẩm định hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ không đáp ứng đủ điều kiện để được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển, cơ quan thẩm định hồ sơ gửi thông tin và nêu rõ lý do đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ để có văn bản trả lời tổ chức, cá nhân;

b) Trường hợp hồ sơ còn chưa đủ thông tin để cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi bổ sung Giấy phép nhận chìm ở biển, cơ quan thẩm định hồ sơ gửi văn bản đề nghị tổ chức, cá nhân cung cấp bổ sung thông tin, giải trình những nội dung cần làm rõ. Thời gian tổ chức, cá nhân gửi văn bản cung cấp bổ sung thông tin, giải trình không tính vào thời gian thẩm định hồ sơ. Tổ chức, cá nhân gửi văn bản cung cấp bổ sung thông tin, giải trình đến cơ quan thẩm định hồ sơ trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày cơ quan thẩm định hồ sơ gửi văn bản đề nghị; quá thời hạn này mà cơ quan thẩm định hồ sơ không nhận được văn bản cung cấp bổ sung thông tin, giải trình của tổ chức, cá nhân thì cơ quan thẩm định hồ sơ gửi thông tin đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ để có văn bản trả lời tổ chức, cá nhân về việc không cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung Giấy phép nhận chìm ở biển.

Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện để được xem xét, cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung Giấy phép nhận chìm ở biển, cơ quan thẩm định hồ sơ trình hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép nhận chìm ở biển.

3. Việc trình, giải quyết hồ sơ thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc thẩm định hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này hoặc kể từ ngày nhận được văn bản cung cấp bổ sung thông tin, giải trình của tổ chức, cá nhân quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, cơ quan thẩm định hồ sơ có trách nhiệm trình hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép nhận chìm ở biển và quyết định giao khu vực biển để nhận chìm;

b) Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan thẩm định trình hồ sơ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, ra quyết định cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển và giao khu vực biển, gia hạn thời hạn giao khu vực biển, sửa đổi, bổ sung Quyết định giao khu vực biển sử dụng để nhận chìm. Trường hợp hồ sơ không được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ra quyết định, cơ quan thẩm định hồ sơ gửi thông tin và nêu rõ lý do đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ để có văn bản trả lời tổ chức, cá nhân.”

Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 02/05/2025./.

Tấn Hòa

 

1 2 3 4 5  ... 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH SÓC TRĂNG
(Giấy phép số 02/GP-STTTT ngày 14/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông cấp)
Địa chỉ: 197 Hùng Vương, Phường 6, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 02993.825001
Email: banbientap.pbgdplst@gmail.com
Chịu trách nhiệm nội dung