Quy trình đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Tự đánh giá của các địa phương
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thu thập, tổng hợp, đánh giá các chỉ số nhóm I và nhóm II của Bộ chỉ số; Sở Tài nguyên và Môi trường là Cơ quan thường trực của địa phương để tổ chức thực hiện.
Cơ quan thường trực của địa phương có trách nhiệm tổng hợp, bảo đảm tính chính xác của số liệu, tính pháp lý, phù hợp của tài liệu kiểm chứng; tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt kết quả tự đánh giá các chỉ số nhóm I và nhóm II; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về kết quả đánh giá.
- Kỳ hạn số liệu phục vụ đánh giá là 01 năm, tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm đánh giá, trừ trường hợp chỉ số được quy định kỳ hạn số liệu riêng theo tình hình thực tế tại địa phương.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi hồ sơ kết quả tự đánh giá các chỉ số nhóm I và nhóm II của địa phương mình về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 10 tháng 3 năm sau để tổng hợp, xác minh, thẩm định.
2. Đánh giá việc gửi các báo cáo định kỳ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường
Trên cơ sở kết quả tự đánh giá việc gửi các báo cáo định kỳ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, rà soát, đánh giá việc gửi các báo cáo định kỳ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các địa phương.
3. Đánh giá thông qua điều tra xã hội học
Việc xác định chỉ số nhóm III về đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống được thực hiện thông qua điều tra xã hội học.
4. Thẩm định kết quả đánh giá xếp hạng công tác bảo vệ môi trường của các địa phương
- Việc thẩm định kết quả đánh giá xếp hạng công tác bảo vệ môi trường của các địa phương được thực hiện bởi Hội đồng thẩm định liên ngành do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập.
Thành phần Hội đồng thẩm định liên ngành gồm: Chủ tịch Hội đồng (đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường); 01 Phó Chủ tịch Hội đồng; mời đại diện các Bộ, cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học liên quan làm thành viên Hội đồng.
Hội đồng làm việc theo nguyên tắc thảo luận tập thể, phát huy vai trò của từng thành viên Hội đồng; các thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
- Hội đồng thẩm định liên ngành có trách nhiệm tổ chức thẩm định kết quả tự đánh giá của các địa phương và đánh giá kết quả tổng hợp điều tra xã hội học. Hội đồng thẩm định liên ngành chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả thực hiện.
5. Tính điểm Chỉ số PEPI và xếp thứ hạng kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương
Căn cứ kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành và phương pháp tính điểm Bộ chỉ số quy định tại Mục III của Quyết định này, Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định liên ngành tiến hành tổng hợp, tính điểm của các chỉ số thành phần, điểm Chỉ số PEPI đối với từng địa phương và xếp thứ hạng kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương theo nguyên tắc sắp xếp từ cao đến thấp theo điểm Chỉ số PEPI; điểm Chỉ số PEPI bằng nhau thì xếp cùng thứ hạng.
6. Phê duyệt, công bố kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương
- Căn cứ điểm Chỉ số PEPI của từng địa phương, Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định liên ngành trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương vào dịp Ngày môi trường thế giới (05 tháng 6) hoặc chậm nhất trước quý IV năm sau.
- Kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường của các địa phương.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.
MH