Tổ chức thực hiện “Đề án Tăng cường đào tạo dược sĩ làm công tác dược lâm sàng, giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2045”
Theo đó, việc tổ chức thực hiện triển khai Đề án Quyết định đã nêu cụ thể như sau:
1. Đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế
1.1. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo
- Chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu Bộ Y tế triển khai, theo dõi, giám sát và đánh giá việc thực hiện Đề án này.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng văn bản cấp bộ và đề xuất xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về đào tạo nhân lực dược lâm sàng thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.
- Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Y tế, các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo tham gia theo phân công xây dựng tiêu chí đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục cho các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe (nếu có).
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham gia xây dựng và triển khai các đề án, dự án liên quan đến đào tạo nhân lực dược lâm sàng.
Phối hợp với các đơn vị liên quan và các cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai, theo dõi, giám sát việc thực hiện các quy định đối với người nước ngoài đến học tập, làm việc tại các cơ sở giáo dục đào tạo lĩnh vực dược lâm sàng theo đúng quy định của pháp luật.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan mở rộng liên kết đào tạo, hợp tác chuyên gia trong lĩnh vực dược lâm sàng.
- Phối hợp với Vụ Kế hoạch-Tài chính tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện Đề án theo định mức chỉ tiêu hiện hành và các văn bản hướng dẫn liên quan gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
1.2. Vụ Tổ chức cán bộ
Phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo trong công tác tham mưu giúp Bộ Y tế triển khai, theo dõi, giám sát và đánh giá việc thực hiện Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trình cấp có thẩm quyền ban hành để điều chỉnh tỷ lệ cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp Dược phù hợp vị trí việc làm của dược lâm sàng trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
1.3. Vụ Kế hoạch - Tài chính
Tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bố trí kinh phí trên cơ sở đề xuất của Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước hàng năm được Thủ tướng Chính phủ giao.
1.4. Cục Quản lý Khám chữa bệnh
- Chủ trì xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về dược lâm sàng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về hoạt động dược lâm sàng nhằm mục tiêu sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả trong khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh viện, bao gồm: xây dựng danh mục thuốc; kê đơn, sử dụng thuốc; thông tin hướng dẫn sử dụng thuốc cho người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; hướng dẫn chuyên môn liên quan đến việc sử dụng thuốc và thực hiện việc giám sát, theo dõi phản ứng có hại của thuốc; phân tích đánh giá hiệu quả sử dụng thuốc.
1.5. Cục Quản lý dược
- Phối hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh làm đầu mối đánh giá chất lượng hoạt động dược lâm sàng để sửa đổi yêu cầu về hành nghề của dược lâm sàng, tiệm cận với các nhân viên y tế khác trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh.
- Xây dựng Thông tư quy định lộ trình nhà thuốc bắt buộc phải có dược sĩ tư vấn sử dụng thuốc có chứng chỉ đào tạo về dược lâm sàng, chứng chỉ, chứng nhận hoàn thành các khóa đào tạo liên tục về dược lý - dược lâm sàng hoặc các lớp đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược lâm sàng.
1.6. Cục Quản lý Y, Dược học cổ truyền
- Hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức thực hiện việc cung ứng và sử dụng hợp lý, an toàn hiệu quả thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền, dược liệu, hướng dẫn thực hiện nguyên tắc, tiêu chuẩn bảo quản thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền, dược liệu.
Tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý trong lĩnh vực khám bệnh chữa bệnh dược cổ truyền theo quy định của pháp luật. Tham gia xây dựng nội dung, chương trình và phối hợp hướng dẫn thực hiện bồi dưỡng về cập nhật kiến thức chuyên môn về dược đối với người hành nghề dược cổ truyền theo quy định của pháp luật.
1.7. Các Vụ, Cục, đơn vị liên quan khác
Căn cứ lĩnh vực quản lý, theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình để phối hợp thực hiện, triển khai các chính sách, chế độ cho nhân lực dược lâm sàng, theo dõi quá trình thực hiện và đề xuất các chỉnh sửa khi cần thiết.
2. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế
Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy đào tạo nhân lực y tế bậc đại học và sau đại học định hướng dược lâm sàng trong ngành Dược học. Rà soát, chỉnh sửa hoặc ban hành mới các quy định về bảo đảm chất lượng và kiểm định các chương trình đào tạo; bảo đảm phù hợp với chuẩn chương trình đào tạo theo quy định. Thực hiện các nghiên cứu, khảo sát, trao đổi, chia sẻ thông tin về các mô hình và kinh nghiệm trong đổi mới đào tạo ngành Dược học.
3. Đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế
Xây dựng chính sách, hướng dẫn về chế độ sử dụng nguồn nhân lực dược lâm sàng, chức danh nghề nghiệp của nhân lực dược lâm sàng phù hợp với yêu cầu phát triển của hệ thống y tế.
4. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Ưu tiên đầu tư trang thiết bị phục vụ đào tạo nguồn nhân lực dược lâm sàng đủ về số lượng đáp ứng nhu cầu của địa phương, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực dược lâm sàng trên địa bàn. Nâng cao công tác đào tạo và sử dụng nhân lực dược lâm sàng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Tăng cường đầu tư cho công tác đào tạo nhân lực dược lâm sàng gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Đồng thời, vận động tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ kỹ thuật, tài chính để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở đào tạo, thực hành dược lâm sàng trên địa bàn quản lý.
5. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến đào tạo, quản lý và sử dụng nhân lực dược lâm sàng trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quản lý trong thực hiện Đề án, làm rõ trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động và tạo thuận lợi cho người học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu bảo đảm công bằng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Nâng cao năng lực của hệ thống tư vấn sử dụng thuốc đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả và công bằng trong cung ứng thuốc, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn.
6. Các cơ sở giáo dục đào tạo nhân lực dược trình độ đại học
Tăng cường đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra về số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo. Cập nhật chương trình đào tạo dược lâm sàng ở mọi loại hình và trình độ đào tạo. Tích cực trao đổi, liên kết đào tạo với các trường danh tiếng trong khu vực và quốc tế. Thường xuyên cải tiến phương pháp dạy-học, phương pháp lượng giá dựa trên năng lực, lấy người học làm trung tâm, dạy - học dựa vào bằng chứng. Đào tạo phối hợp giữa bệnh viện và nhà trường về dược lâm sàng. Triển khai ký kết hiệp định, hợp tác với các đối tác nước ngoài, tìm kiếm các học bổng để cử giảng viên tham gia đào tạo về công tác dược lâm sàng đi học tập, nâng cao năng lực về dược lâm sàng.
7. Các cơ sở sử dụng nhân lực dược sĩ làm công tác dược lâm sàng
Xây dựng đề án vị trí việc làm xác định nhu cầu nhân lực dược sĩ làm công tác dược lâm sàng cho phù hợp với đơn vị. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nhân lực dược lâm sàng.
8. Các Hội nghề nghiệp
Phối hợp với Bộ Y tế triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo đạt hiệu quả và tiến độ đề ra. Tổ chức hướng dẫn, vận động các Hội viên trong Hội tham gia có hiệu quả trong việc triển khai Đề án theo chức năng, nhiệm vụ và theo quy định của pháp luật.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./.
MH